Người ta sinh ra ai cũng có tổ tiên, cây xanh tươi là nhờ gốc bền chặt, nước trong mát là nhờ nguồn sâu xa, chân lý ấy thật là giản dị. Tuy nhiên, nguồn càng sâu suối càng xa, đời người chỉ có hạn mà ai cũng phải bận việc làm ăn, lại thêm nhiều cuộc biến thiên nên dẫu có ghi chép mà nhiều khi cũng thất lạc, bởi vậy việc làm gia phả, xưa nay vẫn là việc rất hệ trọng phải lo bổ sung liên tục, nếu không thì thời gian trôi, các thế hệ cứ qua, mà đã đứt đoạn tán lạc rồi thì con cháu đời sau còn biết đâu là nguồn gốc tổ tiên, biết ai là anh em máu mủ, đã không biết thì sẽ quên, mà quên thì những gì sẽ xảy ra, điều đó ai cũng đã rõ.
Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, họ ta đã viết lại tộc phả một lần, nhờ đó mà đã nâng cao được lòng thành kính với Tổ tiên và tinh thần hòa mục trong thân tộc, bổ sung được một số thiếu sót ngày trước và ghi thêm vào những thế hệ con cháu mới sinh ra. Việc làm đó rất kịp thời. Tuy nhiên đến nay đã trải qua 30 năm, thế thứ đã phát triển thêm mà nhiều điểm trong tộc phả vẫn tồn tại, chưa có dịp đi sâu tìm hiểu để ghi chép và đính chính lại cho chính xác, rõ ràng. Hơn nữa việc viết lại tộc phả lần ấy vẫn chỉ là sự ghi chép thế thứ sơ sài, chưa nêu được những truyền thống tốt đẹp của dòng họ, nhằm động viên con cháu hiện nay và sau này, noi theo gương sáng của người xưa mà chăm lo xây đắp hạnh phúc gia đình, làm cho đời sống của mọi nhà, chẳng những khá giả về mặt vật chất, mà còn giàu có về mặt tinh thần, trên thì thờ phụng tổ tiên, dưới thì nuôi dạy con cái, khiến cho thanh danh không bị mai một, truyền thống càng được phát huy. Vì vậy, việc viết lại tộc phả lần này, cần thiết phải đáp ứng được những yêu cầu chủ yếu sau đây:
Ghi chép lại thế thứ từ đời Thủy Tổ đến đời cuối cùng hiện có của mọi nhà trên tất cả các địa bàn mà người họ đang cư trú ở trong và ngoài xã, làm cho mọi người nắm vững sự phát triển liên tục của dòng họ qua các thời kỳ, nhận biết được rõ ràng vai vế của mỗi người trong họ. Nêu lên được một số truyền thống chung tốt đẹp, nhằm khơi lại lòng tự hào về tổ tiên, về dòng họ, để mọi người cùng phấn khởi, đoàn kết, chung sức làm cho dòng họ ngày một phồn vinh.
Đặt cơ sở vững chắc và tạo ra nền nếp tốt để con cháu sau này, tiếp tục đi sâu tìm hiểu về nguồn gốc Tổ tiên, về truyền thống của các thế hệ đã qua, làm cho việc bổ sung tộc phả không bị đứt đoạn và ngày càng phong phú.
Xuất phát từ những yêu cầu đó, nhân ngày giỗ Tổ 13/11 năm Nhâm Thân (1992) anh em họ họp tại nhà Trưởng họ lớn (1) quyết định viết lại tộc phả và giao cho chúng tôi. Thật là một việc làm quá sức, nhưng chúng tôi không thể từ chối. Sau một thời gian phân công nhau điều tra, sưu tầm, khảo đính và dịch thuật, chúng tôi đã có được một số tài liệu, khối lượng tài liệu đó tuy còn ít, nhưng cũng không thể làm hơn được, đành tạm bằng lòng ghi chép lại. Đây là kết quả chung của cả họ mà mọi nhà, mọi người đều đã góp phần. Người xưa có nói: “Hậu sinh là lớp người đáng sợ” các thế hệ sau sẽ rất dễ dàng nhận ra những khuyết điểm của chúng tôi, sẽ đính chính lại và bổ sung thêm cho tộc phả ngày càng chân xác và hoàn mĩ.
Khi biên tập, việc đầu tiên là đặt tên cho cuốn phả. Cuốn phả chữ Hán xưa (nay đã mất) có tên là “Nguyễn tộc gia phả”; cuốn viết năm 1963 bằng chữ quốc ngữ cũng gọi là “Gia phả họ Nguyễn”. Nay thấy cần đặt cho cuốn này là “Tộc phả họ Nguyễn” nhằm phản ánh đúng được sự phát triển của dòng họ tính đến giai đoạn hiện nay. Tiếp đó dựa vào khối lượng tài liệu đã có chúng tôi biên tập thành cuốn phả mới sắp xếp theo thứ tự sau đây:
Mở đầu là Chương Phả ký, gồm hai bài ký, một bài giành cho bản Tộc phả lần này, một bài trích từ cuốn gia phả viết năm 1963, nay sưu tập đưa vào chương này để tiện việc theo dõi liên tục về sau. Thứ hai là Chương Tộc hệ gồm Phần ghi chép thế thứ trên dưới đã được đối chiếu, bổ sung và đính chính và viết theo những tư liệu mới nhất, kèm theo những con số thống kê cần thiết, để mọi người có khái niệm đầy đủ về sự phát triển của dòng họ hiện nay; tiếp theo là Bảng Tộc hệ và một cuốn gia phả chữ Hán mới sưu tầm được dịch sang chữ quốc ngữ (2) để tiện việc kê-cứu sau này.
Chương thứ 3 là Chương phụ lục, được chia làm 2 phần lớn: Phần thứ nhất sao chép nguyên văn, phiên âm, phiên dịch chú thích về những tài liệu còn lưu giữ được ở nhà trưởng tộc chi Ất Nguyễn Ngọc Mão. Phần thứ hai là sao chép nguyên văn, phiên âm, phiên dịch, đính chính và chú thích những tài liệu mới sưu tập được trong thời gian làm tộc phả lần này, tất cả đều được thẩm định và sắp xếp theo một trình tự hợp lý. Mỗi tài liệu mới sưu tầm được đưa vào chương này hoặc chương khác đều có lời tiểu dẫn nói rõ, xuất xứ, cách phiên âm, dịch thuật, đính chính và chú thích, sau khi đã tham khảo và so sánh với những tư liệu khác. Ngoài việc biên tập chung vào chương này của cuốn phả, những tài liệu mới sưu tầm được, nếu có thể được chúng tôi cho lưu lại bản gốc hoặc bản chụp lại để bổ sung vào những hiện vật đã có lưu giữ ở nhà Trưởng tộc. Cuối cùng là ghi lại ý kiến chung của công họ về việc thông qua, bảo quản sao chép và tiếp tục bổ sung tộc phả.
Theo tộc phả cũ (bản chữ Hán đã mất sau năm 1963) thì cụ Thủy Tổ họ ta hiệu là Phúc Ninh quê gốc ở xã Lan Đình, phủ Vĩnh Tường, nghe tiếng tốt của làng ta mà tìm đến sinh cơ, lập nghiệp truyền đến nay đã được 13 đời. Cuộc thiên cư ấy cách đây trên 300 năm sớm nhất là vào đời Lê Thần Tông niên hiệu Dương Hòa (1619-1642) và cũng không thể muộn hơn đời vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa (1675-1700) thời gian dao động giới hạn trong khoảng 3, 4 thập kỷ từ 1637 đến 1677. Tiếc rằng tài liệu ghi chép về việc này rất sơ sài, nên ngày nay chúng ta có quá ít căn cứ để tìm về họ gốc. Muốn tìm được họ gốc việc đầu tiên là phải xác định cho được nơi cư trú của các cụ trước khi rời về đây, lần này chúng tôi đã có ý sưu tầm, nhưng cái tên xã Lan Đình, Phủ Vĩnh Tường đến nay vẫn còn là một ẩn số vì trải qua hơn 300 năm lịch sử, đã có biết bao nhiêu lần thay đổi địa giới và tên xã, tên làng. (3).
Các cụ ta thiên cư về đây vì những lý do cụ thể gì, chúng ta chưa rõ, nhưng chủ yếu hẳn là lý do kinh tế, vì vậy khi về làng mới các cụ chỉ là người nông dân nghèo cày sâu, cuốc bẫm, chân lấm, tay bùn, mà vào thời ất sản xuất nông nghiệp và đời sống vật chất đâu có được phát triển như bây giờ. Những ngày đầu xây dựng cơ nghiệp hẳn hết sức gian nan đời sống cũng hết sức nghèo khổ. Của đã “kiệm” người lại “hiếm” cho nên dòng họ lúc ban đầu trải qua mấy chục năm trời truyền đến cụ Phúc Chính đã là đời thứ ba mà vẫn chỉ độc đinh, mãi đến cụ Tổ đời thứ 4 hiệu là Phúc Thực mới sinh ra được 5 người con trai. Từ đó họ ta mới bắt đầu chia làm 5 chi: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, tạo ra bước ngoặt đầu tiên trong quá trình phát triển, dù rằng so với các họ khác có nguồn gốc lâu đời ở bản địa lúc ấy thì vẫn còn rất bé nhỏ, hiếm hoi. Dẫu sao thì cũng không thể một chiều khẳng định là khi rời về đây các cụ ta chỉ là người nông dân thuần túy không có chữ nghĩa. Phả cũ còn ghi lại lời truyền miệng rằng: Ngay từ đời thứ nhất, cụ Thủy tổ họ ta đã sinh ra một bà con gái hiệu là Mai Hoa Quỳnh Nương. Cái tên Mai Hoa Quỳnh Nương gợi cho ta suy nghĩ về một gia đình có vốn học vấn nhất định, nó không còn mang tính phổ biến như Diệu Nhàn, Diệu Tĩnh, Trinh Thuận, Trinh Thục,… mà đã mang sắc thái đặc biệt vượt ra khỏi dấu ấn thông thường của việc đặt tên hiệu cho đàn bà thời ấy. Vả chăng khi các cụ rời về đây, xã ta tính từ thời Lê Chính Hòa trở về trước đã có 5 người đỗ đại khoa và trên dưới 40 người đỗ Hương cống, việc học đã rất thịnh hành, sống giữa một không gian văn học như thế, không thể không có tác động đến các cụ, chắc chắn rằng trong công việc nhà nông thức khuya, dậy sớm, tần tảo làm ăn để duy trì cuộc sống thường nhật, các cụ còn cố gắng dành phần công sức đầu tư vào việc nuôi con ăn học, vì thế không thể nói rằng sự cố gắng về mặt văn hóa ấy không góp gì để cùng với tiến bộ kinh tế tạo ra bước ngoặt ban đầu đã nói ở trên. Bước ngoặt tuy còn hạn chế nhưng rất có ý nghĩa, nó là cột mốc đánh dấu giai đoạn phát triển đầu tiên của dòng họ và tạo ra điều kiện vật chất xã hội cho các giai đoạn phát triển tiếp theo, đưa đến sự phồn vinh hiện nay của tất cả mọi nhà. Cho dù chúng ta ai cũng có một số phận riêng, một cuộc sống riêng, một gia đình riêng, nhưng tài sản vô giá mà mọi người cùng thừa hưởng đó là chung một nguồn gốc, chung một sự phát triển. Thật vậy, sẽ chẳng có gì bù đắp được và đáng đau buồn hơn là cả một dòng họ bị tàn lụi diệt vong!
Nhìn lại quá trình 300 năm qua, sự phát triển của dòng họ ta có thể chia làm ba giai đoạn, giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ đời Thủy tổ đến khi chia làm năm chi; giai đoạn thứ hai từ lúc phân chi cho đến trước Cách mạng tháng Tám; giai đoạn thứ ba là từ Cách mạng tháng Tám đến nay.
Nếu giai đoạn thứ nhất tính đến thời điểm trước khi chia ngành thì mất cả 4 đời vẫn chỉ có một hộ và bốn khẩu. Sang giai đoạn thứ hai tính đến thời điểm trước Cách mạng Tháng Tám thành công, họ ta đã “phạp” mất hai chi là chi Bính và chi Mậu. Tuy nhiên, lúc này dòng họ đã đông phát triển mạnh mẽ hơn giai đoạn trước rất nhiều. Đến thời điểm đó, ba chi họ của ta đã phát triển thành 34 hộ, 124 khẩu (Chưa tính 24 gái đã lấy chồng) trong đó có 65 đinh bằng 52,4% số khẩu. Tuy nhiên, chỉ đến khi đất nước ta được độc lập, dân tộc ta được tự do, xã hội ta có cơ sở lớn lao để phát triển, thì ở giai đoạn thứ ba này, họ ta cũng mới có cơ hội để phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn. Cho đến nay, ngoài quê gốc Hương Ngải, anh em con cháu của họ ta đã và đang làm ăn sinh sống trên địa bàn của 10 tỉnh thành, 16 quận, huyện và 26 phường xã trong cả nước (4). Trong đó, có những hộ đã định cư lâu dài như các hộ ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Xã Ninh Dân, huyện Thanh Hòa, tỉnh Vĩnh Phú, … Tính đến nay họ ta đã phát triển thành 79 hộ, 381 khẩu (Chưa tính 90 con gái đã lấy chồng) trong đó có 179 đinh, chiếm 47,3% tổng số khẩu. Đó là sự phát triển mạnh mẽ nhất chưa từng có từ trước đến giờ chỉ trong 47 năm của giai đoạn này mà tốc độ phát triển nhanh hơn cả 250 năm trước đó. Nếu so với giai đoạn hai thì số hộ tăng 2,26 lần số khẩu tăng 2,97 lần, số định tăng 2,67 lần. Đời sống của mọi nhà ở trong và ngoài xã nói chung đều khá giả, ai cũng có nhà xây, nhà ngói, không nhà nào còn phải chịu thiếu đói nghèo nàn. Ngày nay nước ta đang đứng trước vận hội phát triển lớn lao, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn dân ta đang phấn đấu cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Chúng ta tin rằng dòng họ ta cũng sẽ tiến lên phát triển một cách hài hòa cân đối trên một trình độ cao hơn, phong phú hơn nữa.
Điểm lại các giai đoạn như trên là để chúng ta có một khái niệm cơ bản nhất về quá trình của sự phát triển giống nòi. Còn muốn nói về sự phát triển đầy đủ và toàn diện hơn thì không thể nói đến những truyền thống tốt đẹp đã và đang tiềm tàng chung trong cả dòng họ. Đương nhiên truyền thống cũng có hai mặt nhưng cái hay cái tốt vẫn là mặt chính, nó vừa là động lực vừa là biểu trưng cho sự phát triển đi lên. Dòng họ ta sở dĩ phát triển được tất phải dựa trên những truyền thống tốt đẹp đang tiềm tàng ở mọi nhà, mà trong cuộc sống bề bộn hàng ngày, mọi người cảm thấy nó bình thường mà không chú ý đầy đủ. Nói đến truyền thống tất nhiên cũng phải đề cập cả hai chiều thời gian – quá khứ và hiện tại – nghĩa là nói về những gì tốt đẹp do ông cha ta gây dựng nên mà ngày nay con cháu ta đang phát huy gìn giữ làm cho mọi nhà, mọi người khi nhìn vào truyền thống tốt đẹp chung ấy ai cũng đều thấy có mình ở trong đó để rồi lại cùng nhau vun đắp thêm cho nó ngày càng tốt đẹp hơn.
Một truyền thống tốt đẹp có tính quyết định nhất đối với sự phát triển của dòng họ là đức tính cần cù và tiết kiệm. Tại nhà trưởng tộc chi Ất, trước ngày cải cách ruộng đất có một đôi câu đối thờ bằng gỗ nền son thếp vàng trong đó vế thứ hai ghi: “Kiệm cần hữu huấn lập môn phong”. Tuy là một vế câu đối thờ nhưng lại có giá trị như một lời di huấn, quý báu của người xưa để lại. Thật vậy, nếu không cần cù, tiết kiệm thì dù giàu sang đến mấy, cuối cùng cũng là không có gì hết. Ngày nay, chúng ta không thể biết gì nhiều về những đời các cụ xa, nhưng đối với cha mình thì mỗi người, mỗi nhà ai cũng có thể trực tiếp nhớ lại những điều mình được nghe, được kể, được thấy về chuyện ông cha mình khi xưa đã phải làm lụng vất vả, lam lũ ra sao, chi tiêu căn cơ tằn tiện như thế nào để tạo dựng cơ nghiệp. Chúng ta thường được nghe kể về cụ Tổ của chi Ất là cụ Hàn (thường gọi là cụ Vàng) do ít ruộng đất, nên vừa phải làm ruộng vừa phải làm hàng xáo để kiếm miếng ăn hàng ngày và nuôi cả một đàn con ăn học ra sao. Nhờ có tính siêng năng và tiết kiệm ấy, nên gia đình cụ đã vượt qua được cuộc sống nghèo nàn, con cái nhiều người bước lên cuộc đời vinh hiển, làm cho họ ta từ một dòng nhỏ bé không có tiếng tăm, nghiễm nhiên trở thành một vọng tộc, đứng ngang hàng với các công tộc khác trong làng. Chẳng lẽ điều đó không là vinh quang chung cho cả dòng họ hay sao? Bất kỳ hoàn cảnh như thế nào, cần cù, tiết kiệm cũng là tài sản chung của cả dòng họ và là của báu riêng của mỗi nhà. Người có bát ăn dầu có máu mặt hơn đấy, nhưng cũng phải thức khuya dậy sớm “mắm muối tương cà” để ngoài việc xây dựng cuộc sống riêng, cũng còn lo trả nợ “son phấn” ở đời và giúp đỡ bà con, cưu mang anh em những lúc cơ hàn túng thiếu, người nghèo khó thì càng phải làm ăn, cần cù, dè xẻn cật lực để kiếm miếng nuôi con. Ông bà ta xưa ở mỗi nhà càng nghèo bao nhiêu thì càng đáng trân trọng quý mến bấy nhiêu! Trong khi đời sống kinh tế khó khăn, có cụ đã phải xoay xở làm đủ thứ nghề, thợ mã, thợ mộc, thợ hàn (thợ kim hoàn) để kiếm đồng tiền, bát gạo nuôi con, người bần bách quá thì càng phải lo thức khuya dậy sớm, làm thuê làm mướn để kiếm sống qua ngày. Khi ở địa phương không còn sinh kế, thì nhiều cụ, nhiều ông đã phải tản cư đi nơi khác để “tha phương cầu thực” hoặc là khai hoang vỡ hóa ở nơi núi đỏ rừng xanh, cuốc đất lật cỏ kiếm ăn, hoặc là tìm chỗ đứng chân để làm thuyền, làm thợ để nuôi sống gia đình,…. Quả thật không thiếu gì những tấm gương sáng còn để lại cho con cháu chúng ta. Có người, cả chi họ còn sót lại một mình, cha mẹ anh em ruột thịt không còn ai, khi rời mảnh đất thân yêu này ra đi kiếm ăn, đã sống bơ vơ giữa nơi đất khách quê người, vậy mà “tay không làm nổi cơ đồ”, sinh cơ lập nghiệp ở nơi quê mới đã được bốn đời, nghĩ lại lúc ra đi chỉ có một thân một mình, mà nay đã phát triển thành sáu hộ với 23 nhân khẩu và 14 suất đinh, con cháu đông vui, hết thảy đều có cuộc sống khá giả, có văn hóa, có địa vị xã hội, đường hoàng làm cho chi họ cũ ở quê Hương Ngải nghiễm nhiên lại trở thành một chi họ phồn vinh, phát triển. Đó dù chỉ là một người của một chi, nhưng chẳng lẽ điều đó không phải là hạnh phúc và niềm kiêu hãnh chung của cả dòng họ hay sao? (5) Có những ông bà khi bước chân ra đi, tưởng không còn gì là hy vọng, vậy mà ngày nay đã làm nên cơ nghiệp ở nơi quê mới, cuộc sống hạnh phúc, con cháu đề huề. Người ta nói: “Sông có khúc, người có lúc” cái tốt đẹp bao giờ cũng là cái tồn tại lâu dài và cơ bản, tiềm ẩn ngay trong mỗi con người. Thật là: “Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh” khó có thể kể ra cho hết được!
Từ ngày cách mạng Tháng Tám thành công đến nay, Cách mạng đã giải phóng cho mọi nhà, người sướng có cái khổ, người khổ có cái sướng, tất cả đã xóa đi sự sai biệt, tất cả đều được đem đến sự công bằng, mọi người đều hưởng hạnh phúc như nhau, đó là nhờ phúc âm của cha ông, nhưng cũng không thể không ghi công ơn của Cách mạng, vì Cách mạng chẳng những đã giải phóng cho mọi người về mặt chính trị, mà còn tạo ra điều kiện vật chất xã hội khác hẳn các xã hội cũ, đưa đến thuận lợi lớn và sự thay đổi về chất cho việc làm ăn sinh sống của tất cả mọi nhà. Nếu như trước Cách Mạng nguồn sống chính của mọi nhà là nông nghiệp thì giờ đây đã có thể sống bằng nhiều nghề khác tạo ra chất lượng sống ở trình độ cao hơn. Nếu như trước Cách mạng hầu như không có gì thì nay cả họ đã có khá đông người được đào tạo về chuyên môn khoa học, kỹ thuật, trong đó có hàng chục người có trình độ sơ cấp, gần 40 người có trình độ trung cấp, hàng chục người có trình độ cao đẳng và 9 người có trình độ đại học, đang làm việc trong các cơ quan và các cơ sở sản xuất của Nhà nước, thậm chí có người có hai bằng đại học, đó là chưa kể cả họ có 30,40 người làm khá nhiều nghề tự do như thợ nề, thợ may, thợ mộc, … hoặc các dịch vụ xã hội khác. Người xưa nói “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” ngày nay xã hội ta đã chuyển mạnh sang cơ chế thị trường, sức lao động chẳng những đã có giá mà còn sáng giá hơn bất cứ lúc nào, điều quan trọng là dù làm bất cứ nghề gì cũng phải là người có lương tâm chân chính, không làm điều gì ảnh hưởng đến thanh danh của tổ tiên. Tóm lại có thể nói, mọi nhà mọi người trong họ hiện nay đều có công ăn việc làm, có bát ăn, bát để, có chất lượng cuộc sống đa dạng và phong phú hơn xưa rất nhiều. Tất cả mọi thành quả đó đều bắt nguồn từ lời “di huấn” và truyền thống cần lao, tiết kiệm của ông cha ta từ xưa để lại và đã trở thành của báu riêng của tất cả mọi nhà.
Một truyền thống tốt đẹp khác góp phần quan trọng quyết định sự phát triển của dòng họ là tinh thần hiếu học. Chúng ta đã biết: So với những triều đại trước, vua chúa Triều Lê đã có nhiều chính sách chăm lo mở mang và khuyến khích việc học, nhờ thế ngoài các trường công ở Bộ (Sau là Trấn, Tỉnh) và các phủ huyện, các trường tư trong dân gian, cũng được dân chúng mở ra ở khắp các làng xã. Vào thời điểm Cụ Tổ ta thiên cư về đây, việc học của huyện ta nhất, là xã ta đã rất thịnh hành, đến Triều Nguyễn lại càng sôi nổi hơn. Sách Sơn Tây địa dư nhân vật toàn thư của Cao Xuân Dục soạn năm 1883, chương “Phong tục” có nêu một nhận xét: “Về văn học thì hai huyện An Sơn (Quốc Oai bây giờ) và Thạch Thất là phát triển hơn cả. (6). Trong cao trào của toàn huyện, xã Hương Ngải lại nổi lên như một vầng sáng rực rỡ và từ rất sớm đã nổi tiếng là một vùng quê văn hiến, có gia đình suốt bảy đời cha con nối tiếp nhau đỗ Hương cống và Tiến sĩ, một số họ có nhiều người đỗ Trung khoa như họ Đỗ, họ Phí, họ Vương, … Một không gian văn học như thế không thể không có ảnh hưởng lớn đối với những đời đầu tiên khi các cụ ta mới rời về đây. Ngày nay dấu ấn về một gia đình có trình độ học vấn ngay từ đầu tuy còn lờ mờ, song cũng không thể khẳng định một cách võ đoán rằng các cụ ta chỉ là những người nông dân không biết chữ, tuy nhiên dầu có học thì các cụ cũng chưa có được một thành đạt nào đáng kể, mãi đến đời Lê Hiển Tông (1740-1786) khi họ ta phân chi ra thì cụ Tổ các chi mới quan tâm và cố gắng lo cho con cháu học hành, đặc biệt là cụ Tổ chi Ất đã có quyết tâm, dốc lòng “Tôn nho trọng đạo” chịu đựng hy sinh gian khổ để nuôi tất cả một đàn con 5 người ăn học (7). Trong đó có 3 người thành đạt được phả cũ ghi chép rõ ràng về đường học vấn, trừ một người học giỏi nhưng không may mất sớm, hai người khác đều đổ Cử nhân, một là Nguyễn Huy Diễn (1790-1847), đỗ Tú tài khoa Kỷ Mão năm Gia Long thứ 18 (1819), đỗ Cử nhân khoa Ất Dậu năm Minh Mạng thứ 6 (1825), làm Tri huyện hai huyện Nghi Dương, An Dương (nay thuộc Hải Phòng) sau đó thăng làm Tri phủ phủ Thường Tín. Người thứ hai là Nguyễn Huy Phan (1803-1875) sau đổi là Nguyễn Phan, đỗ 3 khoa Tú tài, khoa thứ nhất đỗ năm Canh Thìn, Minh Mạng thứ nhất (1820), đỗ Cử nhân Ân Khoa Tân Sửu năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), làm Bố chánh sứ Tỉnh Cao Bằng và trải qua hơn chục chức quan từ trong Triều ra ngoài Trấn; hai lần được vua Tự Đức mật cử và trao ấn Khâm sai đại thần đi thanh tra các trấn Bắc Kỳ; có tiếng tăm lớn về chính sự một thời, lại có công lao giúp sự nghiệp văn học của xã ta thêm phát triển.
Từ thời gian này trở đi việc học hành ở xã ta càng được mở rộng, có thể nói: “Không nhà nào không có người đi học, không khoa nào không có người đi thi”. Năm 1884, sau khi Hà Nội thất thủ lần thứ hai, triều đình Huế ký Hiệp định công nhận sự Bảo hộ của Pháp ở Trung Bắc Kỳ (Hiệp ước Pa-tơ-nốt), thực dân Pháp đem quân đi bình định và đặt chế độ bảo hộ, dù các cụ chi Ất lúc đó đã có đặt 3 mẫu học điền và đặt ra chế độ khuyến học trong họ, nhưng sau đó mấy chục năm, cả họ không còn ai tiếp tục được con đường khoa danh hiển đạt nữa, duy nhất có một người đỗ hai khoa tú tài mà ta quen gọi là cụ Kép Ba, một số người khác có dự các khoa thi Hương nhưng chỉ một vài người lọt qua được nhất, nhị trường. Ngày nay chúng ta còn nhớ được đến khoảng những năm thập niên 1920-1930 của thế kỷ 20, trong họ còn có khoảng 8, 9 người là ấm sinh, khóa sinh hoặc là ông đồ Nho mở trường dạy học nữa mà thôi. Tiếp đó, năm 1919, khi thực dân Pháp bãi bỏ chế độ khoa cử, thay vào bằng nền học Pháp Việt, thì việc học của anh em con cháu trong họ không còn bắt kịp được trào lưu tân học nữa, cả họ chỉ có vài ba người có trình độ tiểu học và một số người đếm trên ngón tay có trình độ sơ học mà thôi. Tình hình đó có nguyên nhân từ sự tốn kém, phiền hà dưới chế độ Pháp thuộc, nên số đông không có khả năng để nuôi con ăn học, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là do tư tưởng bảo thủ, không chuyển biến kịp theo trào lưu, vẫn còn nuối tiếc lối học khoa cử và thứ chữ nho vốn được coi là thứ chữ của thánh hiền. Việc học hành của dòng họ thời kỳ này tuy có sút kém so với trước thế nhưng do tinh thần khuyến học trước đây còn phát huy được tác dụng, nên truyền thống ham học hỏi của họ ta vẫn còn được duy trì và có phần phát triển hơn so với nhiều họ khác ở trong làng.
Cách mạng Tháng Tám thành công đổi đời cho cả một dân tộc, giải phóng luôn cả trí tuệ con người. Suốt 47 năm qua Đảng và Nhà nước ta đã luôn luôn làm hết sức mình chăm lo mọi mặt, xây dựng hạnh phúc cho dân, đồng thời cũng tận lực mở mang việc học nhằm mau chóng đạt được nguyện vọng của Bác Hồ là: “Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Chế độ xã hội mới thực sự đã đưa lại một cơ hội cực kỳ to lớn làm cho truyền thống hiếu học và sự nghiệp học vấn của anh em con cháu họ ta ngày càng phát triển mạnh mẽ chưa từng có. Do kinh tế có bước phát triển lớn, lại do Nhà nước thường xuyên chăm lo phổ cập giáo dục nên mặc dầu còn khó khăn, mọi nhà đều cố gắng dành phần công sức nuôi con em ăn học, coi việc học để nâng cao trí tuệ và phẩm giá như một nhu cầu không thể thiếu được của cuộc sống hàng ngày, do đó trình độ văn hóa của mọi người trong họ đã được phổ cập và nâng cao, một cách tương đối đồng đều. Có thể nói: Hầu hết các nhà trong họ nếu đã dành 2/9 của cải vật chất để tái sản xuất sức lao động tiếp tục phát triển sản xuất thì phần còn lại là dành đầu tư cho việc học, trong họ không thiếu gì những tấm gương tốt của bố mẹ đã hy sinh chịu đựng khó khăn, thiếu thốn, dành cho con cái những điều kiện tốt nhất để theo đuổi việc học, nối chí người xưa. Có gia đình hai vợ chồng đều là cán bộ, lương ít, ruộng đất không có nhà đông miệng ăn, nhưng vẫn cố gắng nuôi các con học hết bậc phổ thông rồi thì vào học các trường chuyên nghiệp. Có gia đình rất đông con, sản xuất nông nghiệp của Hợp tác xã giảm sút, giá trị ngày công quá thấp thu nhập chả đáng là bao, gia đình thiếu ăn triền miên vẫn phải nhịn ăn, nhịn mặc dành dụm nuôi con ăn học qua bậc phổ thông rồi tiếp tục vào học các trường đại học và trung cấp chuyên nghiệp. Một số gia đình, định cư ở nơi khác vừa phải lo làm ăn vừa dốc sức lo cho một đàn con rất đông ăn học, kết quả là đời sống kinh tế rất khá giả mà đời sống văn hóa trình độ học thức của các con cũng khá cao, so với mọi người. Tiêu biểu có hộ có 23 khẩu thì đã có 13 người tốt nghiệp trung học phổ thông, 8 người tốt nghiệp cao đẳng, 4 người tốt nghiệp đại học trong đó có người thi đỗ 2 bằng.
Nhờ những cố gắng đó mà trong toàn họ ta hiện nay, trừ một số bà tuổi cao mù chữ hoặc chỉ biết đọc, biết viết, nói chung hầu hết đã phổ cập cấp I, số khá đông có trình độ cấp 2, 92 người có trình độ phổ thông trung hoc, gần một chục người có trình độ chuyên môn sơ cấp, 39 người có trình độ trung cấp và cao đẳng, 9 người tốt nghiệp đại học, có người qua học viện cao cấp trong quân đội. Đó là những thành tựu văn học rực rỡ và đáng tự hào nhất của tất cả chúng ta.
Tóm lại, có thể nói: Truyền thống hiếu học của ông cha xưa chưa bao giờ được con cháu chúng ta nối tiếp và phát huy mạnh mẽ, bằng giai đoạn này, mặc dầu sự cố gắng và trình độ học vấn của mọi nhà chưa thật đồng đều, so với yêu cầu xã hội ngày nay và nhiều họ khác trong xã thì vẫn còn rất thấp.
Hiện nay trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, Đảng và Nhà nước ta chủ trương phải đẩy mạnh sản xuất để nước ta nhanh chóng thoát ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu, hội nhập với thế giới hiện đại, tiến lên ngang hàng với những quốc gia phát triển, làm cho mọi nhà đều có cuộc sống hạnh phúc, văn minh. Vì vậy Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chiến lược con người, trong chiến lược ấy quyết sách hàng đầu là phải phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài. Trong sự nghiệp lớn lao ấy, tri thức khoa học có vị trí rất đặc biệt, là tài sản vô giá của quốc gia và của mọi nhà. Nó là nguồn lực thúc đẩy sản xuất phát triển lên trình độ cao, mọi nhà, mọi người cần tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học vốn có, đầu tư nhiều hơn nữa cho việc học tập của các thế hệ con cháu chúng ta. Theo lời kêu gọi và chính sách khuyến khích của Đảng và nhà nước, mọi nhà chúng ta đang dốc sức làm giàu, nhưng như người xưa đã dạy: “Bất học vô thuật” đầu tư vào việc học hành cho các thế hệ sau này mới thật là cách làm giàu chân chính và thông minh nhất. Truyền thống tốt đẹp thứ ba là tinh thần yêu nước. Đây là truyền thống chung lâu đời của cả dân tộc đã hình thành phát triển suốt mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Nói tinh thần yêu nước cũng là nói tinh thần đấu tranh quật khởi của nhân dân ta chống các thế lực áp bức bên trong và mọi kẻ thù xâm lược bên ngoài. Tinh thần ấy tuy là của báu chung nhưng cũng là tài sản riêng vô giá được cất giữ lâu dài trong mỗi tầng lớp, mỗi dòng họ, thậm chí mỗi gia đình và mỗi cá nhân, mỗi khi đất nước lâm nguy đứng trước hiểm họa xâm lược thì tinh thần đấu tranh quật khởi đó lại dâng lên mạnh mẽ như muôn vạn lớp sóng trào nhấn chìm luôn cả lũ bán nước và quân cướp nước. Trong suốt hơn 300 năm từ khi các cụ ta thiên cư về đây cho tới bây giờ, dòng họ của chúng ta đã hình thành và phát triển trong một giai đoạn hết sức sôi động của lịch sử dân tộc, từ cuối thế kỷ 17 sang đầu thế kỷ 18, là thế kỷ của các cuộc nông dân khởi nghĩa được lịch sử gọi là những cuộc chiến tranh nông dân mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào đấy một mặt đã đập tan tập đoàn phong kiến Nguyễn thống trị ở Đàng Trong và tập đoàn phong kiến Lê-Trịnh thống trị ở Đàng ngoài; mặt khác đánh tan 5 vạn quân xâm lược Xiêm ở phía Nam và đại phá 29 vạn quân Mãn Thanh ở phía Bắc, viết nên những trang sử cực kỳ hào tráng, lập ra triều đại Tây Sơn. Thời kỳ thứ hai là từ nửa sau thế kỷ 19 cho đến những năm cuối cùng của thế kỷ 20. Đó là thời kỳ của các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta, đấu tranh giành độc lập làm Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Lần thứ hai là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ giành thống nhất nước nhà. Trong thời kỳ này tinh thần đấu tranh quật cường của nhân dân ta càng được phát huy tới đỉnh cao nhất là từ khi được Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Trong bối cảnh lịch sử sôi động như thế, truyền thống yêu nước của dòng họ ta càng được hun đúc và sáng lên rực rỡ, đóng góp sức người, sức của xứng đáng vào sự nghiệp chung của dân tộc, đó là sự phát triển hợp với xu thế lịch sử.
Đến thế kỷ thứ 19 chủ nghĩa tư bản Phương Tây đã phát triển mạnh mẽ, trên đà ấy, các nước tư bản Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, … ra sức bành trướng thế lực, đua nhau tìm kiếm thị trường, khu vực phía Đông và Đông Nam Châu Á, đất rộng người đông, tài nguyên phong phú đã trở thành miếng mồi ngon cho bọn chúng kéo đến xâu xé, chiếm đoạt. Việt Nam ta nằm ở trung tâm của khu vực ấy tất nhiên không tránh khỏi sự nhòm ngó thèm thuồng, tư bản Pháp đã có âm mưu xâm lược nước ta từ rất sớm, chúng cho bọn giáo sĩ đi trước đội lốt tôn giáo nấp dưới chiêu bài “truyền đạo” để đẩy mạnh hoạt động do thám, gián điệp, gây cơ sở phản động ở bên trong đất nước ta dọn đường cho quân của chúng đánh vào (8). Sau nhiều năm chuẩn bị và nhiều lần uy hiếp, chiều ngày 31/8/1858, đội tàu chiến chở 3000 liên quân xâm lược Pháp và Tây Ban Nha, do Ri-gôn Đờ-Giơ- nu -y (Rigault De Genoully) chỉ huy, kéo tới cửa biển Đà Nẵng dàn trận. Ngày 2-9-1858, chúng nã đại bác lên bờ rồi đổ bộ chiếm bán đảo Sơn Trà, tiếp đó tháng 2-1859 chúng kéo đại quân vào hạ thành Gia Định rồi nhanh chóng đánh chiếm các tỉnh Định Tường Biên Hòa và Vĩnh Long. Trước sức tấn công của giặc, triều đình Huế khiếp nhược chỉ lo cứu vãn quyền lợi giai cấp của mình, cúi đầu ký hòa ước Nhâm Tuất ngày 5/6/1862 nhượng hẳn ba tình Miền Đông Nam Kỳ là Gia Định, Định Tường, Biên Hòa và Côn Đảo cho Pháp.
Sau ngày 5/6/1862, bất chấp lệnh bãi binh của Triều đình, nhân dân Miền Nam không chịu buông vũ khí, phong trào phản đối hiệp ước, tiếp tục kháng chiến lan rộng trong nhân dân khắp miền mà đỉnh cao nhất là cuộc khởi nghĩa Trương Định. Ngọn cờ “Bình Tây đại nguyên soái” của ông phấp phới bay làm nức lòng dân Nam Kỳ, đồng thời cũng làm cho bọn bán nước và quân cướp nước nhiều phen kinh hồn, táng đởm. Tuy nhiên, hành động bán nước, bỏ dân của Triều đình càng kích thích lòng tham của quân cướp nước, sau khi ký hòa ước rồi, thực dân Pháp càng chuẩn bị ráo riết để chiếm nốt ba tỉnh miền Tây còn lại. Tháng 06/1867, thực dân Pháp đưa tối hậu thư buộc đại diện của Triều đình Huế lúc đó là Phan Thanh Giản mở cửa nộp thành và chỉ trong vòng năm ngày từ 20 đến 24/6/1867 chúng lại chiếm gọn 3 tỉnh Miền Tây còn lại, không phải nổ một phát súng. Toàn bộ Nam Kỳ lục tỉnh rơi vào tay giặc và trở thành lãnh địa của chúng.
Vào thời điểm lịch sử này, quan Phủ Thường của họ ta đã tạ thế, người không còn phải chứng kiến cảnh nước nhà bị cắn xé nuốt dần từng miếng cho đến khi mất hẳn, nhưng quan Bá Cao thì đang còn tại chức. Giữa lúc “Quốc gia hữu sự” như thế, là một sĩ phu đang còn gánh vác trách nhiệm trong guồng máy của Triều đình lẽ nào Người lại không nặng lòng suy nghĩ về tình hình đất nước? Người xưa nói: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, đứng trước hiểm họa xâm lăng của đất nước, người đầu tiên trong họ ta tự nguyện cất lấy gánh “tồn vong” hẳn không ai khác ngoài quan Bá Cao, vì trong một chừng mực nào đó người đang còn là đại biểu của quốc dân. Ngày nay, do thất truyền, chúng ta chỉ có thể tìm hiểu tinh thần yêu nước ấy qua một số thơ văn của người còn sót lại mà thôi. Điều chắc chắn là cả quá trình giặc Pháp xâm lược nước ta người chỉ là những chức quan ở ngoài phiên trấn, có thời kỳ ở kinh sư thì cũng chỉ là một viên quan nhỏ, không thể và không được có tiếng nói quan trọng ở triều đình, ấy là chưa kể người còn luôn bị bọn xiểm nịnh tìm đủ cách rèm pha, vu hãm, làm cho Người mấy lần bị mất chức hoặc phải đổi đi xa. Khi được triều đình nghĩ lại bổ làm Phó quản đạo Tỉnh Phú Yên thì người cũng đã già và giặc Pháp đã chiếm xong 6 tỉnh Nam Kỳ. Chúng biến đất này thành đất Pháp và đang ra sức xây dựng thành bàn đạp vững chắc để mở rộng cuộc xâm lăng ra cả nước ta.
Làm quan ở một tỉnh sát kề với miền đất của Tổ quốc vừa rơi vào tay quân giặc. Người rất đau lòng, nhưng tự lượng về cương vị và tuổi tác của mình, người chỉ còn biết ngậm ngùi đau xót đặt niềm hy vọng của mình vào nhân dân và những sĩ phu yêu nước của Miền Nam. Tâm sự ấy được ký thác một cách kín đáo trong bài thơ “Lên cao nói với những anh em tú tài trong Nam”. Lời lẽ bài thơ thấm đượm một nỗi buồn man mác trước cảnh đổi thay của đất nước trong xã hội 6 tỉnh Miền Nam. Vẫn đất đó, người đó, nhưng phong cảnh hôm nay thì đã khác xa rồi. Nỗi u hoài và niềm hy vọng còn biết gửi gắm vào đâu ngoài những người tuấn kiệt ở ngay trên đất ấy. Dùng từ “Tú tài” trùng với một học vị thời ấy và nói đến “cảnh đẹp” (thắng khái) miền Nam hẳn là dấu đi ý tứ kín đáo của mình, không dám nói thẳng ra sợ trái ý vua. Thực ra “cảnh đẹp” ở đây là ám chỉ phong cảnh đổi khác hết sức lố lăng đến mức lạ đời của cái xã hội thực dân ở 6 tỉnh Nam Kỳ. Học vị “Tú tài” ở đây là ám chỉ những người tuấn kiệt dám trái lệnh Triều đình tiếp tục đánh giặc ở ngay trên đất ấy. Tuấn kiệt là ai? Nếu không phải là Trương Định đã phất cao ngọn cờ “Bình Tây đại nguyên soái”, nếu không phải là Nguyễn Trung Trực đã chỉ huy nghĩa quân đánh chìm tàu giặc và khi bị giặc bắt thì đã thét thẳng vào mặt chúng: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì nước Nam mới hết người đánh Tây”. Lòng ngưỡng mộ anh tài đó, thôi thúc người có cơ hội thì cũng sắp có ý định làm theo:
“ Kẻ theo lên núi rầm rầm
Đan tay chuốc chén rượu tăm một hồi
Nam châu nghe nói lạ đời
Lòng này cũng muốn theo đòi tìm chơi” (9)
Hoặc:
“Thẳng lên cho tới cao sầm
Cùng vui có khách đàm tâm mấy người” (10)
Nhưng rồi xét lại thấy mình dường như không còn điều kiện và cơ hội nữa, lòng nhiệt thành muốn tiến thủ đành nhường chỗ cho nỗi xót xa lo lắng cho tương lai mờ mịt của đất nước, không biết sau này rồi sẽ ra sao:
“Nam trung trông thấy khác vời
Hỏi thăm cảnh cũ tìm nơi chốn nào!” (11)
Những hạn chế về chức vụ, tuổi tác hoàn cảnh và cả về quan điểm đã biến nỗi niềm hy vọng của người trở thành thất vọng, đôi lúc tới mức bi quan dù lòng lo nước thương dân vẫn chứa chan, canh cánh bên lòng. Tâm sự này được bộc lộ rất rõ qua bài thơ “Du Xuân Đài Sơn Vịnh”:
“Nhân nhàn cũng muốn dạo chơi,
Hỡi ôi! Đường đá cao vời khó lên” (12)
Hoặc:
“Già như “con đỏ” nghĩ mình,
Nhơn nhơn lòng ấy xin đành nhường ai” (13)
Bị những yếu tố chủ quan, khách quan chi phối Người cảm thấy khó có thể làm được gì hơn cho sự nghiệp chống giặc cứu nước, đã không làm được gì hơn, thì cái chức quan Phó quản đạo mà người đang đảm nhiệm cũng chỉ còn là cái vô dụng, mà đã vô dụng thì thà nghỉ đi còn hơn. Nỗi niềm tâm sự ấy được triển khai khá chi tiết và cụ thể hơn trong bài “Phú Yên thỉnh hưu”. Bài thơ giúp ta thấy được tính đa diện trong tâm sự của Người: Phần đã uất ức về con đường sĩ hoạn rất đỗi gập ghềnh, giá như bước gập ghềnh, chuân chuyên đó không xẩy ra thì hẳn đâu Người chỉ là một viên quan Phó quản đạo, hẳn đâu không thể góp được tiếng nói quan trọng hòa vào tiếng nói “Chủ chiến” ở Triều đình mà làm tròn phận sự với dân, với nước. Phần lại chán về cái cảnh an nhàn vô vị mô tả trong bài thơ, được viện ra làm lý do xin nghỉ. Cái cảnh thanh bình giả tạo ấy chẳng qua là cái cảnh tạm yên khi quân giặc vừa chiếm xong 6 tỉnh Nam Kỳ đang còn bận củng cố lực lượng. Ôi! Thật là một thời kỳ “im lặng đáng sợ” báo trước một tương tai không xa, quân giặc sẽ mở rộng chiến tranh ra Trung Bắc Kỳ, thôn tính toàn bộ đất nước ta:
“… Đường về tiểu tử thảnh thơi
Ca nhi ngưng hát mặt ngoài thong dong
Trà Quỳnh, giấy Phúc thường dùng
Voi, tê Thủy, Hỏa đều thông hiếu rồi” (14)
Hàng ngày mà thường dùng giấy Phúc Kiến, trà Quỳnh Châu thì thật an nhàn và hòa bình quá đi rồi, các nước đã thông thương chẳng phải lo gì cái nạn giặc giã nữa. Ngà voi và sừng tê là những vật quý mà các nước phụ cận đã đem tiến cống triều đình như vậy thì các nước lân bang đều đã thông hiếu cả làm gì còn có chiến tranh. Nhưng thật ra chẳng có nước nào là nước “Thủy” và nước “Hỏa” cả chẳng qua Người muốn ám chỉ việc triều đình đã ký hiệp ước Hòa bình, Hữu nghị với 2 nước Pháp và Tây Ban Nha mà thôi! Nhưng “Hòa bình” gì khi bọn giặc đang ra sức củng cố lực lượng để mở rộng cuộc xâm lược cả nước chúng ta? “Hữu nghị” gì khi triều đình đã viết giấy tiến cống cho chúng ba tỉnh Miền Đông, lại còn phải nhận bồi thường cả phí tổn cho cuộc đánh cướp của chúng hàng mấy chục vạn lạng bạc. Thâm tâm của người là không đồng tình với tư tưởng “Chủ hòa” của triều đình nhưng bị tư tưởng “Trung quân” chặn lại nên không dám nói thẳng ra cái tên của hai nước đó. Lịch sử cũng chẳng đã có bao người vì khuyên triều đình nên bị giáng chức, cách chức thậm chí bị đánh đòn đó hay sao? Bởi vậy người chán nản muốn xin về là phải. Tuy nhiên vì nỗi niềm ưu ái với non sông, đất nước bị dồn nén lâu nên đã bật lên tiếng nói chống lại quan điểm “Trung quân” truyền thống và thốt lên lời phê phán thái độ khiếp nhược của Triều đình, không nhận rõ âm mưu của giặc, tin vào những điều chúng đã ký với mình, không dám tổ chức cuộc kháng chiến, chỉ một mực cầu hòa, cử người chạy đi, chạy lại để mua bán mặc cả, cầu xin lòng tốt của kẻ xâm lược, như vậy thì làm sao có thể giữ cho cả đất nước không bị rơi vào tay chúng:
“Mong sao được thế lâu dài
Trị an đâu phải mượn lời thư phong” (15)
Tỷ lệ thuận với tuổi tác ngày càng cao, nét tư tưởng thương nước và bi quan trước thời cuộc của Người càng trở nên trầm uất, hễ có dịp lại bộc lộ ra. Vào những năm cuối đời, người được bổ lên Cao Bằng làm Bố chánh sứ, tư tưởng ấy có dịp biểu lộ qua bài “Cựu thành dương bái vọng”. Lời thơ thắm đượm nỗi xót đau khi phải thăm thành cổ Cao Bằng, liên tưởng đến cơ đồ Hồng Lạc cổ kính uy nghi sắp rơi hẳn vào tay quân giặc, rồi tự trách mình, tự thẹn cho mình không còn làm được gì nữa để cứu vãn nước nhà ngoài cái việc ngâm xuông bài thơ “phá lỗ” nữa mà thôi:
“Thành Chu vây giữa xung quanh
Cơ đồ Hán thất rành rành uy nghi
Cao Bằng danh tướng thẹn ghê
Câu thơ phá giặc một bề ngâm xuông” (16)
Khi giặc Pháp tấn công ra Bắc, Hà Nội thất thủ lần thứ nhất (1872), lúc này chỉ vì lời nói trung thực ấy “Thấy phải không thể không làm” mà bị bọn xiểm nịnh làm cho đến mất chức phải về nhà, nhưng tấm lòng yêu nước của Người vẫn chẳng thể nguôi. Ngày 12/8 năm Ất Hợi (1875), người đột nhiên lâm bệnh, biết mình không thể qua khỏi đã để lại một liên tuyệt bút như sau:
“Sự phụ, sự quân vị năng giã
Nhi kim, nhi hậu tri miễn phù”
Nghĩa là:
“Thờ cha, thờ vua chưa chọn vẹn
Mà nay, mà mãi thế là thôi” (17)
Người xưa nói: “Con chim sắp chết thì tiếng kêu thương, con người sắp chết thì lời nói phải”. Đây là tâm sự rất thật và cực kỳ u uất của người trước vận mệnh của đất nước mà Người đã nhìn thấy rất rõ là chẳng bao lâu nữa sẽ mất trọn vào tay quân giặc. Đối với người khái niệm “Vua” và “Nước” “Trung quân” và “Ái quốc” gần như thống nhất, hòa quyện với nhau làm một, vậy mà một nho sĩ, một sĩ phu, một ông quan ăn lộc của triều đình nhìn thấy cảnh “Vua nhục, Nước mất” chưa kịp làm được việc gì mà nay đã chết thì thật là đau đớn biết bao. Quả là mọi thứ đều đã khép lại. Người trút hơi thở cuối cùng mang theo cả khối u hoài chẳng thể nào tan.
Sinh thời khi biết mình không có thể trực tiếp cầm vũ khí chống lại giặc được nữa, Người đem lòng yêu nước và chí căm thù quân giặc thường ấp ủ của mình truyền thụ cho lớp cháu con và nhiều người khác. Chuyện kể rằng: Con rể thứ hai của Người có người em là ông Tú Béo (tên tục) thường có nhiều dịp được sống gần người, được người rất ưu ái, ông cũng rất thân kính Người và nhận được sự giáo dục trực tiếp của người, khi ông đỗ Tú tài , người đã viết tặng ông một đôi câu đối:
“Độc cổ nhân thư khởi chỉ thủ khoa đệ
Dụng thiên hạ sự ưng tự đỗ tú tài”
Nghĩa là:
“Đọc sách người xưa há chỉ cốt thi đỗ
Lo việc thiện hạ nên làm bậc tú tài” (18)
Trong hoàn cảnh nhân dân lầm than, đất nước đang bị kẻ thù dầy xéo, khỏi phải nói ý nghĩa của đôi câu đối này nói gì đối với người được tặng. Khi làm Bang Biện ở Sơn Tây, người còn đưa ông Tú lên Sơn Tây , ăn ở tại nhà mình để học võ và luyện võ. Sau này khi vua Hàm Nghi bỏ kinh thành Huế ra sơn phòng ở Quảng Trị, cụ Phan Đình Phùng được vua phong làm Trung Bắc Kỳ thống đốc quân vụ Đại thần và cử ra Bắc liên lạc với các sĩ phu yêu nước để truyền đạt chiếu Cần Vương, tình cờ ông Tú gặp cụ Phan được cụ thay mặt vua phong làm Bắc kỳ thống đốc quân vụ Đại thần. Khi giặc Pháp tiến công ra bắc, Hà Nội thất thủ lần thứ hai (1882), giặc chiếm đóng Sơn Tây, ông Tú Béo đã mộ 1 toán quân nghĩa khí và đưa đi đánh Pháp liền mấy trận ở Phù Sa tuy rằng kết quả không nhiều.
Đối với người ngoài còn có ảnh hưởng như thế, vậy thì hai con trai của Người là Nguyễn Đại (ông Lớn) và Nguyễn Tiểu (ông Nhỏ), không thể không trực tiếp nhận được sự giáo dục và có ảnh hưởng lớn về tư tưởng yêu nước của người, nhất là ông Tiểu đã từng theo hầu người suốt từ Phú Yên cực nam Trung Kỳ trở ra tới Cao Bằng biên giới cực Bắc. Theo chỗ chúng ta được biết, mặc dầu xuất thân trong một gia đình khoa bảng song các ông cũng không học hành gì nhiều và có thành tựu gì đáng kể về mặt văn học, mà lại có thiên hướng chăm rèn thể lực, luyện tập nghề võ nhiều hơn. Có thể là do hoàn cảnh (Nhà nghèo, cha đi làm quan xa) nhưng cái chính là do chủ ý của quan Bá Cao, người muốn các con mình lập chí, lập thân bằng con đường khác, muốn con mình biết lo gánh vác lấy cái phận sự làm “trai thời loạn” trong khi đất nước lâm nguy và bản thân người không còn đủ sức để làm, chẳng phải Người đã từng nói: “Đọc sách người xưa há chỉ cốt thi đỗ” đó sao?
Vì thế khi giặc Pháp tiến công ra Bắc đánh chiếm thành Hà Nội và các tỉnh lần thứ nhất (1873), ông Đại tức ông Lớn mà ta quen gọi là Cụ Đốc Thái đã cùng toàn dân nổi dậy chiêu mộ nghĩa binh đánh giặc lập công, ngày nay do thất truyền ta không được biết rõ công trạng đánh Pháp của ông ra sao, nhưng điều rõ ràng là ông đã được triều đình phong chức và tặng hàm chánh lục phẩm quân công (19).
Nối chí cha anh, khi giặc Pháp tiến ra Bắc Kỳ đánh chiếm Hà Nội và các tỉnh lần thứ hai, hòa với phong trào toàn dân phản đối lệnh bãi binh của triều đình, nổi dậy chống giặc ở khắp nơi, sau khi giặc chiếm thành Sơn Tây và ông Nguyễn Tiểu tức ông Nhỏ mà ta thường gọi là cụ Hai Phu cũng phối hợp với hào lý chiêu tập dân binh ngay tại làng nổi lên đánh Pháp. Tiếc rằng phong trào vừa nhóm lên đã bị thực dân Pháp tập trung quân từ Sơn Tây về càn quét, khủng bố nhân dân và dập tắt. Ông Tiểu lọt vào tay giặc bị giặc bắt đi hành hình, hy sinh cho sự nghiệp đánh giặc cứu nước của dân tộc. Cuộc nổi dậy kháng chiến tuy ngắn, nhưng tinh thần của nó còn sống mãi trong lòng mọi người và tiếng vang của nó còn vọng lại đến ngày nay (20).
Thực hiện dã tâm thôn tính toàn bộ nước ta, với việc đưa quân ra đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai, bọn thực dân xâm lược Pháp đã buộc được triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước năm 1884 thừa nhận quyền cai trị của chúng trên cả nước ta. Từ đó trở đi suốt mấy chục năm liền, không cam tâm làm nô lệ, nhân dân ta ở khắp nơi đã nổi lên hưởng ứng các phong trào Cần Vương, tiếp đó là các phong trào vận động cách mạng, như cuộc khởi nghĩa Yên Bái, phong trào Đông Du,… Những phong trào yêu nước ấy đã nêu cao khí phách kiên cường bất khuất, nhưng do chưa có đường lối đúng nên đều không đưa đến thành công. Chỉ đến khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Hồ Chủ tịch nhân dân ta mới nhất tề đứng lên đánh đổ được thực dân Pháp và phát xít Nhật, đập tan bộ máy thống trị của chúng, làm nên cuộc Cách mạng Tháng 8 thành công, thu hồi lại giang sơn gấm vóc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là một mốc son chói lọi mở đầu một giai đoạn tột đỉnh vinh quang và hào hùng chưa từng có trong suốt 4000 năm lịch sử của dân tộc.
Nhưng Cách mạng Tháng 8 thành công chưa được bao ngày, thì thực dân Pháp lại mưu toan xâm lược nước ta một lần nữa, chúng núp dưới bóng quân đội Anh (một trong những nước đồng minh chống phát xít được cử vào Việt Nam tước vũ khí quân đội Nhật lúc đó) kéo vào gây hấn ở Nam Bộ, thế là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lại bắt đầu. Nhân dân ta muốn có hòa bình để được tư do xây dựng nên Chính phủ ta đã phải nhân nhượng ký với Pháp Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, rồi tạm ước 14/9/1946, nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì quân giặc càng lấn tới, buộc chúng ta phải chọn con đường cầm vũ khí kháng chiến để giữ vững nền độc lập mà nhân dân ta đã đổ bao xương máu mới giành lại được. Ngày 19/12/1946 cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu, hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến của lãnh tụ tối cao”, nhân dân Việt Nam nhất tề đứng lên đánh Pháp và 9 năm sau đã làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, làm nức lòng anh em bè bạn. Sau ngày kháng chiến toàn quốc ấy mọi người, mọi nhà trong họ ta đã hăng hái cùng nhân dân trong xã tham gia đông đảo vào việc đào đường, đắp ụ, ngăn chặn bước tiến của quân thù, tiếp đó là đào hào đắp lũy tổ chức làng chiến đấu, tham gia lực lượng vũ trang chống giặc càn quét, người trẻ tuổi thì vào dân quân, số nhỏ tham gia du kích, ngày đêm luyện tập, tuần phòng canh gác và đánh giặc, một số khác tham bộ đội địa phương hoặc xung phong nhập ngũ vào bộ đội chủ lực. Ngay từ những ngày đầu đã có người gia nhập Trung đoàn Thủ đô, trực tiếp đánh nhau với giặc ngay giữa thủ đô Hà Nội suốt mấy tháng liền rồi bị thương, cùng Trung đoàn rút về hậu phương để tiếp tục cuộc chiến đấu. Số đông còn lại thì tham gia mọi công tác trong guồng máy kháng chiến, kẻ thì dạy bình dân học vụ, làm giáo viên, người thì làm cán bộ tuyên truyền để giữ tinh thần nhân dân, chống giặc càn quét lấn chiếm; người thì làm cán bộ các đoàn thể như Hội Nông dân, Đoàn thanh niên cứu quốc, mặt trận Việt Minh, động viên nhân dân tham gia mọi việc sẵn sàng đánh giặc. Một số gia đình có điều kiện thì ủng hộ tiền gạo nuôi quân, mua công phiếu kháng chiến, có gia đình nuôi cả một tiểu đoàn quân chính quy hàng nửa tháng liền hoặc xuất tiền gạo nuôi cả một trung đội du kích suốt mấy tháng liền.
Khi giặc mở rộng phạm vi tạm chiếm tới địa phương vào năm 1949 thì một số anh em cán bộ và du kích đã cùng với xã hoạt động ngay trong lòng địch, có người đã cùng với cán bộ địa phương lăn lộn ăn bụi, ngủ hầm, ra vào căn cứ suốt từ khi giặc chiếm cho đến khi giải phóng quê nhà. Một số gia đình không sợ hy sinh sẵn sàng giúp đỡ kháng chiến hoặc mạo hiểm vượt sông qua pốt để liên lạc với cán bộ, nhận vũ khí chuyển về cơ sở, hoặc đào hầm nuôi giấu cán bộ suốt mấy năm liền, nhiều lần bị giặc lùng sục, đánh đập vẫn kiên quyết không khai, …
Đến ngày mở chiến dịch Miền Nam Sơn Tây cùng với nhân dân toàn xã, nhiều gia đình đã góp gạo, công lương, đi dân công hỏa tuyến, vận chuyển lương thực và vũ khí chi viện cho chiến trường bất chấp đạn bom của giặc. Những cống hiến xứng đáng đó của anh em trong họ đã góp 1 phần nhỏ cùng với toàn dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng miền Bắc, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai lập lại hòa bình trên một nửa đất nước.
Đế quốc Pháp - tên thực dân kiểu cũ vừa mới bị đánh đuổi khỏi Miền Bắc, thì đế quốc Mỹ tên đế quốc đầu sỏ đã vội vã lại nhảy vào xâm lược Miền Nam và du nhập chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Không còn con đường nào khác, toàn dân ta lại phải chấp nhận một thử thách hy sinh mới cực kỳ to lớn. So với cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ lớn hơn gấp bội cả về quy mô, thời gian và hình thức. Bất chấp sức tàn phá của khối lượng sắt thép khổng lồ và các kiểu vũ khí tối tân bậc nhất, dân tộc Việt Nam đã dũng cảm đương đầu với đế quốc Mỹ, một tên đế quốc mà cả thế giới đều phải kiêng dè nếu chưa muốn nói là có người đã sợ sệt, nhân dân cả thế giới lo cho ta, nhưng cũng hết lòng chi viện để ta đánh thắng. Cùng với hậu phương lớn miền Bắc, anh em dòng họ ta đã hăng hái làm mọi việc có thể làm được để góp phần chi viện cho tiền tuyến lớn. Thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” nhiều thanh niên họ ta đã hăng hái tham gia quân đội xung phong ra tiền tuyến giết giặc, suốt mấy chục năm không hề có ai thoái thác nhiệm vụ, có người dù chưa đến tuổi đã đăng ký nhập ngũ, có người vừa học hết bậc phổ thông, nộp hồ sơ rồi không kịp thi vào đại học vẫn hăng hái tòng quân vào Nam chiến đấu, có người tuy tuổi đã luống nhưng trước đòi hỏi của tiền tuyến vẫn sẵn sàng từ biệt vợ con đi vào chiến trường, có người đang làm việc tại cơ quan, đang làm thầy giáo,… cũng vui vẻ xếp giấy tờ, gác bút mực lên đường tòng ngũ, có người là cán bộ quân đội chiến đấu ở chiến trường, từng cầm quân tham gia nhiều trận đánh, lập được chiến công, lại có người nhiều năm đối lửa với máy bay, tên lửa của giặc trong cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở Miền Bắc. Nhiều người đã lập chiến công được thưởng nhiều danh hiệu và huân chương cao quý. Tại hậu phương nhiều anh em khác làm việc trong các lĩnh vực đều đã nỗ lực vì tiền tuyến, hết thảy mọi nhà đều hăng hái đẩy mạnh sản xuất trong các hợp tác xã, chịu đựng mọi khó khăn thiếu thốn với tinh thần “Thắt lưng buộc bụng, hạt gạo cắn hòa, cọng rau xẻ nửa” để chi viện chiến trường. Tất cả cố gắng, hy sinh đó đã góp phần nhỏ bé của dòng họ, làm nên chiến thắng 30/4/1975 giải phóng Miền Nam thống nhất tổ quốc.
Tổng kết lại trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược họ ta đa có 64 người tham gia quân đội, người ít nhất là 1 năm nhiều nhất là 30 tuổi quân với 376 năm phục vụ tại ngũ. Có người tham gia du kích chống Pháp, 31 người trực tiếp chiến đấu với giặc ở các chiến trường, tuy có nhiều gian khổ ác liệt nhưng đều vững vàng dũng cảm, sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân của mình vì Độc lập Tự do của Tổ quốc, nhiều người đã trở thành cán bộ quân đội (10 người) trong đó có 1 cán bộ cao cấp (Thượng tá); 5 cán bộ trung cấp (2 thiếu tá, 1 trung tá và 2 thượng, đại úy), 5 người là liệt sĩ, 3 người là thương binh. Đó là những người đã hy sinh cả đời mình, hoặc đã cống hiến một phần xương máu cho sự nghiệp cao cả của dân tộc. Do những cống hiến đó nhiều người trong họ ta đã nhận được phần thưởng cao quý của Nhà nước, quân đội và nhân dân: Tổng số có 57 người được khen thưởng, chiếm 13,9% số nhân khẩu trong họ với 109 huân huy chương các loại gồm: 38 huân chương, 19 huy chương chiến sĩ vẻ vang; 15 huân chương chiến sĩ giải phóng, 2 huy chương quân kỳ quyết thắng, 5 huân chương, huy chương kháng chiến chống Pháp, 25 huân chương, huy chương kháng chiến chống Mỹ, 2 huân chương chiến thắng; 6 huân chương chiến công, 1 huy chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân, 1 huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, 6 kỷ niệm chương và 1 bằng khen tổng kết kháng chiến chống Pháp. Những số liệu kể trên là sự tổng kết một cách cô đọng về sự đóng góp của họ ta vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc. Sự đóng góp ấy tuy còn rất khiêm tốn nhưng là một họ nhỏ và so với các thời kỳ trước thì đó là biểu hiện cao nhất của tinh thần yêu nước từ trước đến nay và cũng là đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chung của cả dân tộc.
Trên đây là những vấn đề chúng tôi đã lựa chọn, cân nhắc và thấy cần viết ra để giúp thuận tiện cho những lần bổ sung viết lại tộc phả sau này.
Một nước thì phải có lịch sử, một nhà thì phải có gia phả. Nói đến gia phả là nói đến tổ tiên. Người xưa nói: “Nói về tổ tiên cần phải sửa đức” (21). Mong rằng: Các thế hệ con cháu chúng ta, mãi mãi sống đẹp, xứng đáng với tổ tiên, làm cho dòng họ chúng ta ngày một phồn vinh thịnh vượng.
Ngày 17 tháng 6 năm 1993
Nhóm biên tập
Cháu nhiều đời:
Nguyễn Mạnh Toàn
Nguyễn Ngọc Vượng